Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành: Long An, TPHCM, An Giang, Bình Định và Thanh Hóa.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết cả nước có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật có giấy chứng nhận kinh doanh, còn lại hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ATTP có nguồn gốc từ động vật.

Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở NN- PTNT, Chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh triển khai công tác thanh kiểm tra, giám sát và phối hợp với các các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hoạt động giết mổ… Qua đó, đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm các quy định của pháp luật về thú y, ATTP với số tiền xử phạt hơn 445 triệu đồng.

Các trường hợp vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu là giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật chết; người tham gia giết mổ động vật không đảm bảo sức khỏe theo quy định; cơ sở có trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thực phẩm…

Nhiều cơ sở giết mổ được xây dựng lâu năm, giết mổ thủ công, nên việc nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo điều kiện ATTP là cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Long kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, phê duyệt và xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn địa phương. Kiến nghị Bộ NN- PTNT xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Long An vừa tiếp giáp vừa là cửa ngõ phía Tây của TPHCM và một số huyện của tỉnh Long An có khoảng cách khá gần 2 chợ đầu mối lớn nhất của TPHCM là Chợ Bình Điền và Chợ Hóc Môn. Chính đặc điểm này tạo nên một đặc thù riêng của Long An đối với các nhà đầu tư cơ sở giết mổ.

Long An có 45 cơ sở giết mổ đã được xây dựng, duy trì hoạt động và được sự kiểm soát giết mổ từ cơ quan thú y, trong đó có 5 cơ sở công nghiệp, 12 cơ sở bán công nghiệp và 28 cơ sở thủ công/thủ công cải tiến. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động quản lý cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Long An vẫn còn gặp một số khó khăn như: một số cơ sở giết mổ được xây dựng lâu năm, giết mổ thủ công, nên việc nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo điều kiện ATTP, hướng tới giết mổ bán công nghiệp hoặc công nghiệp gặp khó khăn, cần có sự đầu tư kinh phí lớn; Sự phát triển dân cư đô thị khá nhanh nên nhiều cơ sở giết mổ hiện hữu trước đây nằm cách xa khu dân cư, đô thị nhưng nay lại nằm xen giữa các khu dân cư, đô thị buộc phải có lộ trình di dời.

Tỉnh Long An kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành văn bản mang tính quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến phân loại cơ sở giết mổ; xem xét đề xuất chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; phối hợp Bộ Nội vụ khẳng định rõ loại hình tổ chức của Trạm Chăn nuôi và Thú y là “đơn vị hành chính” theo đúng Điều 6 Luật Thú y. Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương bổ sung biên chế công chức cho các tỉnh để phân bổ cho các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện nhằm đảm bảo tư cách pháp nhân của nhân viên thú y khi thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành.

Cũng tại hội nghị, đại diện Chi cục Thú y TPHCM, An Giang, Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố dự hội nghị cũng nêu những khó khăn, đề xuất về việc giết mổ động vật tập trung. Đồng thời, đề xuất phê duyệt và xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn địa phương.

NGỌC PHÚC